← Back Published on

Xây dựng và phát triển doanh nghiệp với đội ngũ nhân sự là người yếu thế

Với 25% lực lượng lao động là người yếu thế trên khắp cả nước, bài toán việc làm vẫn còn là một vấn đề nan giải khi thiếu hụt nguồn cầu còn nguồn cung thì chưa đáp ứng được thị trường.

Lao động yếu thế gồm những nhóm chính sau: Lao động di cư; Lao động nghèo (gồm cả lao động trẻ em, là người tái hòa nhập cộng đồng); Lao động là người dân tộc ít người và Lao động là người khuyết tật. Tuy chiếm tới 1/5 lực lượng lao động trong xã hội, cơ hội việc làm và phát triển trong công việc vẫn còn rất thấp đối với nhóm lao động này. Có 60% người khuyết tật có khả năng lao động và chỉ 30% trong số đó là có việc làm tương đối ổn định, bỏ lại khoảng 2 triệu người khuyết tật thất nghiệp.

Ở Việt Nam, người khiếm thị có tỷ lệ thất nghiệp lên đến là 90% trong khi con số này là 65%-70% đối với người khiếm thính. Một trong những nguyên nhân lớn nằm ở sự kỳ thị đến từ các doanh nghiệp đối với những người lao động khuyết tật.

Ngoài trợ giúp từ chính phủ qua những chính sách xây dựng lao động hay trang bị kĩ năng nghề nghiêp, các doanh nghiệp cũng cần có cái nhìn cởi mở hơn đối với nhóm người lao động yếu thế. Đặc biệt, những doanh nghiệp sử dụng nhân lực là người yếu thế cần có những chiến lược cụ thể để xây dựng đội ngũ nhân sự và phát triển công ty.

Vậy làm thế nào để xây dựng doanh nghiệp với đội ngũ lao động là người yếu thế? Yếu tố nào tạo nên một môi trường làm việc thân thiện hơn với những người kém may mắn đó? Hãy cùng xem ba doanh nghiệp xã hội dưới đây giải quyết bài toán việc làm với người yếu thế như thế nào nhé

Biến khó khăn thành cơ hội

Doanh nghiệp TNHH Hành trình các giác quan, là một trong những doanh nghiệp điển hình khi kinh doanh dựa trên sức lao động của những người yếu thế. Với mong muốn tạo ra những trải nghiệm mới lạ trong ăn uống hay mua sắm, Vũ Anh Tú, đồng sáng lập Journey of the Senses (JOS) đã tạo ra một chuỗi các cửa hàng với phần lớn nhân viên là người khiếm thị hoặc khiếm thính như Noir - Dining in the Dark, nhà hàng ăn trong bóng tối đầu tiên tại Việt Nam hay Blanc - nhà hàng gọi món qua ngôn ngữ ký hiệu.

Thay vì để nhóm người yếu thế ở phía sau, các mô hình kinh doanh tại Journey of the Senses lấy những người khiếm thính và khiếm thị làm trung tâm, xây dựng nên lợi thế cạnh tranh từ chính những nhược điểm của người khuyết tật. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành hospitality, Tú cùng người bạn đồng sáng lập Germ quyết định chọn xây dựng nhà hàng làm điểm bắt đầu. Tại nhà hàng Noir hay Blanc, người khiếm khuyết sẽ đảm nhận vai trò hướng dẫn và phục vụ trong khi các thực khách sẽ được dẫn dắt trải nghiệm ăn uống trong thế giới của những người kém may mắn đó.

"Chúng tôi tin rằng, việc đặt người khuyết tật lên hàng đầu và tạo sự tương tác giữa họ với khách hàng là cách nhanh nhất để tăng cường nhận thức của cộng đồng người khiếm thị và khiếm thính." Tú chia sẻ.

Ảnh: Noir- Dining in the Dark

Với một concept độc đáo lấy người khuyết tật làm trung tâm, những dịch vụ tại Journey of the Senses đảm bảo cân bằng giữa việc hỗ trợ người yếu thế và mang lại giá trị cao cấp cho khách hàng. Từ nhà hàng Noir dùng bữa trong không gian tối với thực đơn bí mật, nhà hàng Blanc gọi món bằng ngôn ngữ kí hiệu, cửa hàng là Hoa thiết kế lời chúc bằng ngôn ngữ kí hiệu được thể hiện qua QR code đi kèm bó hoa đến Noir Spa mang tới trải nghiệm thư giãn trong không gian tối, các dịch vụ tại JOS đều xây dựng mô hình kinh doanh xoay quanh những khó khăn của người khuyết tật.

Anh cũng cho rằng năng lực và phẩm chất của người khiếm thính và khiếm thị đều không thua kém những người lành lặn nếu được đào tạo bài bản. Trong khi nhiều người vẫn còn tách biệt với cuộc sống của cộng đồng người khiếm khuyết, những nhà lại giao trọng trách quản lý, tiếp xúc, hướng dẫn khách hàng cho những người khiếm thị và khiếm thính, đặc biệt là trong ngành hospitality, những việc tưởng chừng như ngoài tầm với đối với họ. "Họ có thể không có các kiến thức về khách sạn và nhiều thứ khác, nhưng không sao, bởi họ luôn được chỉ dạy tận tình."

Anh Tú nhấn mạnh vào việc mô hình kinh doanh JOS không xây dựng trên lòng thương hại, lại càng tránh hết sức cụm từ như "từ thiện". Trái với suy nghĩ thông thường, Noir và Blanc là nhà hàng fine-dining với thực đơn cao cấp và dịch vụ hàng đầu. "Chúng tôi muốn chứng minh rằng, chỉ cần được đào tạo và tạo điều kiện làm việc, các nhân viên của chúng tôi hoàn toàn có khả năng thành công trong một lĩnh vực mà trước đây họ ít có cơ hội tiếp cận" - Tú chia sẻ.

Xây dựng văn hóa tổ chức

Là một trong những doanh nghiệp đi đầu về dịch vụ BPO (Business Process Outsourcing), VBPO là giấc mơ mang đến việc làm cho người yếu thế tại Việt Nam của anh Trần Mạnh Huy, chủ doanh nghiệp.

Xuất phát từ một công ty chỉ vỏn vẹn 15 người, VBPO sau hơn 10 năm hoạt động động đã có đội ngũ lao động gần 1000 nhân viên, trong đó tối thiểu 30% là người kém thế như người nghèo, phụ nữ hay người khuyết tật nói chung.

Ảnh: Techviec

Chia sẻ về sự tăng trưởng của công ty với gần 1/3 nhân lực là những người kém thế, anh Huy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa tổ chức trong doanh nghiệp. "Để doanh nghiệp phát triển và tồn tại qua nhiều bão tố, chúng ta cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Nếu không giữ được cái gốc này, thì chỉ cần một cơn bão nhẹ thôi là chúng ta bay luôn"

Anh Huy tiết lộ có 4 yếu tố làm nên một văn hóa doanh nghiệp làm việc với nhóm người yếu thế thành công mà chính VBPO cũng thường xuyên áp dụng để củng cố đội ngũ nhân sự của công ty.

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần xây dựng tinh thần luôn phấn đấu, phát triển và không bao giờ bỏ cuộc ở nhân viên. Bên cạnh việc khích lệ, động viên, ban lãnh đạo doanh nghiệp có thể tổ chức các phong trào thi đua lao động, các cuộc thi văn nghệ, giao lưu giữa nhân viên. Những người yếu thế cần nhận thấy được họ có khả năng và ý chí làm việc như những người bình thường, luôn giữ cho mình "một tinh thần hừng hực thay vì một tinh lừ đừ, uể oải." Thứ hai, môi trường làm việc truyền hứng khởi với một thái độ làm việc nghiêm túc và tinh thần học hỏi cao sẽ giúp doanh nghiệp thích ứng với những biến động trên thị trường. Việc thường xuyên tạo ra các cơ hội học hỏi sẽ giúp cho nhân viên được trang bị những kĩ năng, kiến thức cần thiết, và còn quan trọng hơn nữa đối với đội ngũ nhân sự là người yếu thế vốn đã bị bỏ lại phía sau.

Ảnh: Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng

Thứ ba, doanh nghiệp cần thúc đẩy sự tương tác, kết nối giữa các nhân viên với nhau và với xã hội. "Người lao động yếu thế cần phải sống như người bình thường. Họ cũng đi ra ngoài chơi hay có những cộng đồng để sinh hoạt để hiểu được động lực sống của họ." anh Huy chia sẻ. "Những người kém thế họ bị quan lắm, và điều này tạo nên một năng lượng rất xấu trong công ty." Yếu tố cuối cùng là nhân rộng tinh thần tương thân, tương ái giữa những người lao động, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn như dịch bệnh vừa qua. Doanh nghiệp có thể tổ chức những buổi giao lưu, kết nối để gắn kết nhân viên hay những chương trình để họ có cơ hội hỗ trợ lẫn nhau. Điều này không chỉ giúp những người yếu thế vượt qua những trở ngại khi làm việc mà còn giúp họ hiểu được sứ mệnh của công ty và ý nghĩa công việc mình đang làm.

"Chúng ta phải lan tỏa tinh thần 'không ai bị bỏ lại phía sau'. Đôi lúc trong cuộc sống, có những cái mới xuất hiện mà họ không làm được, họ có thể buồn bã một hai ngày. Nhưng nếu thiếu đi sự động viên kịp thời, họ cũng sẽ oải rồi bỏ việc." Anh Huy nhấn mạnh "văn hóa tổ chức là một điều sống còn của một doanh nghiệp tạo tác động xã hội"

Đa dạng hóa sự hỗ trợ

Đối với nhóm người yếu thế, việc nhận thức được khả năng của bản thân và vượt qua rào cản xã hội là một yếu tố then chốt ảnh hưởng tới sức lao động. Bên cạnh những người khiếm khuyết hay người nghèo, phụ nữ cũng là đối tượng thường xuyên gặp những trở ngại về vấn đề việc làm.

Khởi nguồn từ mong muốn giúp đỡ những người phụ nữ bị bạo hành, doanh nghiệp xã hội Hopebox được thành lập nhằm tạo công ăn việc làm cho và xây dựng môi trường làm việc an toàn, tràn đầy yêu thương dành cho họ.

Ảnh: Hopebox

Hopebox cung cấp những mặt hàng đồ ăn, snack giao cho các công ty, buổi tiệc hoặc làm quà tặng. Tại đây, những người phụ nữ không may bị bạo lực gia đình ở Hopebox được học nấu ăn, làm bánh hay hộp quà bán cho khách hàng. Bên cạnh việc nhận lương 5-7 triệu/tháng, họ còn được hỗ trợ một nửa tiền thuê nhà và nâng cao các kĩ năng cần thiết hoàn toàn miễn phí.

Cơ duyên để giúp đỡ những người kém thế này đến từ chính trải nghiệm chứng kiến người thân thiết bị bạo hành nhiều năm của Hương Đặng, nhà sáng lập Hopebox. Chị Hương đã từng nhiều lần gửi tiền giúp đỡ người bạn bị bạo hành nhiều năm nhưng vẫn không có gì thay đổi. “Cô ấy vẫn bị chồng đánh bầm dập mỗi khi say rượu. Tôi nghĩ cách duy nhất có thể giúp những người như cô ấy là cho họ công việc”, chị nói.

Thành công lớn nhất của Hopebox là giúp những người phụ nữ bị bạo hành trở nên tự tin hơn, chị Hương chia sẻ. Để làm được điều đó, người lãnh đạo như chị phải dành rất nhiều thời gian nói chuyện và tìm hiểu câu chuyện của những người kém may mắn này.

"Khi các bạn ý (phụ nữ bị bạo hành) vào với mình thì các bạn ý có một cái mặt nạ ở bên ngoài. Rất khó để mình biết được bên trong bạn ý nghĩ gì hay sợ hãi cái gì. Mình đã gửi các bạn tới trung tâm tham vấn tâm lý và dành thời gian tâm sự với các bạn nhiều hơn.

Ảnh: AVLD

Không chỉ hỗ trợ về kĩ năng trong công việc, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm chăm sóc đến đời sống xung quanh của người lao động yếu thế. Ngoài giúp đỡ về mặt tâm lý, chị Hương còn hỗ trợ nhân viên trong đời sống cá nhân như tìm trường lớp cho con hay chuẩn bị thủ tục pháp lý khi ly hôn. Đối với chị, sự thay đổi ở những người yếu thế không diễn ra ngày một ngày hai và doanh nghiệp cần kiên nhẫn giúp đỡ để họ có thể vượt qua khó khăn.

Không chỉ giới hạn sự hỗ trợ với nguồn lực công ty, chị Hương cũng đa dạng hóa các giải pháp từ bên ngoài. Để giúp đỡ nhân viên, Hopebox tìm kiếm mạng lưới hỗ trợ với nhiều chuyên môn khác nhau, tổ chức các lớp học, workshop tư vấn từ sức khỏe tinh thần đến thể chất.

"Mình chỉ có kinh nghiệm về kinh doanh, hoàn toàn không có kinh nghiệm về tâm lý trong nhóm bạo lực giới này nên mình không thể giúp đỡ họ được. Những cái mình có thể giúp đầu tiên là có tấm lòng lắng nghe và đảm bảo thông tin họ được bí mật, sau đó là có những giải pháp khác để hỗ trợ", chị Hương nói.

Kết

Vai trò của doanh nghiệp khi hỗ trợ việc làm cho người yếu thế là vô cùng quan trọng. Không chỉ tạo cơ hội làm việc, các doanh nghiệp cần có những chương trình hỗ trợ cụ thể để người lao động yếu thế vượt qua những mặc cảm, khó khăn cá nhân và nỗ lực phát triển như những người bình thường. Với những doanh nghiệp có sử dụng lao động là người yếu thế, việc tạo nên môi trường làm việc an toàn, toàn diện cũng như thường xuyên hỗ trợ nhân viên trong công việc hay đời sống cá nhân là những yếu tố then chốt giúp lao động yếu thế có chỗ đứng vững vàng trong lực lượng lao động của xã hội.