← Back Published on

“BIÊN NIÊN KÝ CHIM VĂN DÂY CÓT” VÀ NHỮNG GÌ TÔI HỌC ĐƯỢC

Truyện Murakami là những dòng chữ mang vẻ hoa mỹ, trừu tượng mà tôi hồi 14 tuổi không tài nào hiểu được. Các câu văn của ông thường có cấu trúc rất dài, đôi khi cả nửa trang chỉ dành để miêu tả một lát cắt của khung cảnh mùa thu. Cách xây dựng nhận vật cũng mang rất nhiều lớp nghĩa, mỗi nhân vật như gánh trên vai một nhiệm vụ chẳng hề ăn nhập nhưng đến cuối cùng vẫn thống nhất tại một điểm. Văn Murakami khó hiểu, hào nhoáng, đòi hỏi một trí tưởng tượng không chỉ nhào nặn ngày một ngày hai. Tôi đọc “Rừng Na Uy” năm 14 tuổi, chẳng ấn tượng gì nhiều ngoài những dòng chữ chằng chịt lớp nghĩa và cảnh người lớn thì chân thực đến mức có thể thuật lại trong đầu. “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” là cuốn sách tôi đọc 2 năm sau đó, cuốn này thì lại “thường” quá để đủ gây ấn tượng sâu sắc hay rõ rệt gì đó. Đọc “Biên niên ký chim văn dây cót” với tâm thế luôn hạ nén kỳ vọng, hơn 200 trang sách đã đọc trong 708 trang chắc chắn chưa thể làm tôi ngấm đủ hoặc hiểu đủ văn Murakami nhưng đây là những gì “thú vị” mà tôi có thể học được sau từng ấy ít ỏi trang trong quyển sách này.

Miêu tả sự vật

Cách Murakami miêu tả một con chim, cái khung cửa, chiếc đài radio…không đơn giản là qua hình dáng của sự vật bình thường. Ông luôn gắn chúng trong những bối cảnh cụ thể, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn ở ngày hôm qua, hay vẫn nó nhưng vào 10, 20 năm sau đấy. Sự tương tác giữa sự vật đang được miêu tả với sự vật khác, giữa sự vật đang được miêu tả với con người dù chỉ là gián tiếp cũng luôn được Murakami chú trọng. Lấy ví dụ như một đoạn ông miêu tả về khu vườn: “…khu vườn nhỏ của vợ chồng tôi đẫm trong ánh nắng đầu hè. Đây chẳng phải loại vườn có khả năng an ủi về tinh thần khi ta nhìn ngắm nó. Mặt trời chỉ len tới đây trong khoảng thời gian ít ỏi mỗi ngày, nên mặt đất luôn đen và ẩm, và toàn bộ cây cối gọi là có ở trong vườn vẻn vẹn chỉ là mấy bụi tú cầu làm bụi trong một góc, mà tôi thì chẳng ưa hoa tú cầu. Gần đấy có một rặng cây nhỏ, đứng ở đó có thể nghe tiếng kêu như bằng kim khí của một con chim, nghe như nó đang vặn dây cót đồng hồ vậy…”. Ở đây, một kỹ năng rõ ràng mà tôi có thể học được từ ông là tả khu vườn không chỉ là tả khu vườn. Tả khu vườn nhưng chính là đi tả mặt trời, cây cối, con chim, tất cả những sự vật khác mà có “tương tác với khu vườn”. Tất cả những hình ảnh đó cho người đọc nhìn thấy một khu vườn cụ thể và duy nhất, một khu vườn ít ánh mặt trời, đất ẩm, trơ trọi vài bụi tú cầu. Tôi cũng nhận thấy sự tương tác giữa sự vật và con người, dù rằng con người thì chẳng xuất hiện tí tẹo nào trong này. Lấy cảm xúc con người để bộc lộ về sự vật hiện tượng đang được miêu tả “ đây chẳng phải loại vườn có khả năng an ủi về tinh thần khi ta nhìn ngắm nó”, “mà tôi thì chẳng ưa hoa tú cầu” khiến sự vật không chỉ là những thứ vô tri vô giác, mà chúng còn gây được những xúc cảm riêng. Tóm lại, công thức tôi học được trong truyện về miêu tả một thứ gì đó: đặt chúng vào bối cảnh + tương tác gia các sự vật + tương tác giữa sự vật với con người.

Kể chuyện

Trong “Seeing is Believing”, tác giả có nói rằng: “Nhiệm vụ của những tác phẩm hư cấu là khiến chúng ta cảm nhận. Để làm được điều đó, cần phải xây dựng những chi tiết gợi xúc cảm quen thuộc với độc giả” (dịch). Những hình ảnh trong truyện Murakami không chỉ là những nét vẽ đơn thuần như yêu hay ghét, chúng tuy đặc biệt và hiếm thấy, cũng không vì thế mà trở nên xa rời với người đọc. Dù những chi tiết của ông không thiếu sự cực đoan, nhưng thật kỳ lạ là cách ông kể chuyện luôn khiến tôi như sống cùng nhân vật, hay như từng trải qua hết thảy những sướng đau vui buồn đó. Sự vật, cảm xúc con người, hành động, rất nhiều trong số chúng được kể bằng cách lồng ghép các hình ảnh mà người đọc buộc phải mường tượng ra trong đầu mới có thể thấu hiểu được. Có câu ông viết thế này “ Lần này, giấc ngủ đến ngay lập tức, một giấc ngủ sâu hoắm như thể nắm gót chân tôi mà lôi tuột xuống đáy biển”. Ai có thể đặt hình ảnh “giấc ngủ” với hình ảnh “gót bàn chân” ở một khung cảnh là “đáy biển”. Hay trong câu khắc họa nhân vật đang cảm thấy muốn chết “Tôi cảm thấy như toàn bộ chất lỏng trong cơ thể tôi có thể biến thành nước mắt rồi trào ra khỏi mắt tôi, rằng chính cơ thể cũng có thể sẽ tan đi mất”. Tôi chưa từng cảm thấy muốn chết, đọc câu này, tôi buộc phải ép mình hình dung ra cảnh toàn bộ chất lòng biến thành nước mắt và trào ra khỏi mắt là như thể nào, phải đặt mình vào trạng thái khao khát sự giải thoát ra làm sao. Dù có nói câu văn của Murakami khó hiểu hay hoa mỹ, nhưng việc trí tưởng tượng của ông đã vượt xa ở một mức độ nào đó là không thể phủ nhận. Kể chuyện về sự vật A nhưng luôn lồng ghép, đan xen những sự vật B,C,D tận đẩu tận đâu.

“The hook”

Khi học viết luận, tôi đã được học cách xây dựng một cái “hook”, một cái móc nối để dẫn vào câu truyện, làm tăng sức hấp dẫn của nó. Trong truyện này, Murakami cũng xây dựng một cái “hook” như thế. Nhưng cái “hook” của ông luôn được treo lơ lửng từ chương này qua chương khác. Ông xây dựng một nhân vật bí ẩn, xuất hiện từ những trang đầu truyện nhưng lại biến mất rất lâu sau đó trước khi hiện ra một cách rời rạc rồi lại tiếp tục biến mất. Nhân vật không tên tuổi, không ai biết là ai và đóng vai trò gì, chỉ xuất hiện tăng thêm phần bí ẩn, và làm một cái “móc” kéo độc giả trở lại giữa những phần trũng của câu truyện. Với tôi, đây là phương pháp rất hữu hiệu giúp tác giả lôi kéo được trí tò mò của người đọc, như một câu đố được nhả dần gợi ý nhưng vẫn phải đến đích mới tìm được đáp án. Cái “móc” này theo tôi có thể là bất cứ thứ gì, bất cứ chi tiết gì mà được nhắc đi nhắc lại trong truyện nhưng vẫn luôn trong trạng thái lập lờ, khó hiểu. Khi liên tục được nhắc nhở rằng có một kẽ hở vẫn chưa được lấp đầy, độc giả sẽ không nỡ dừng câu truyện trước khi tìm ra cách để hoàn thiện nó.